Đoán nguyên nhân nòng nọc ếch chết hàng loạt qua màu nước bể ương, cách xử lý

(#TTCT) - Khi phát triển ếch giống, có một vấn đề khá đau đầu với người làm, ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm, đó là, hiện tượng nòng nọc bị chết hàng loạt trong giai đoạn từ 2 đến 8 ngày tuổi. Đây cũng là chủ đề đã được nhiều nơi nêu ra, từ nguyên nhân cho tới cách xử lý. Tuy nhiên, mỗi nơi có cách giải thích cũng như giải quyết khác nhau.

{tocify} $title = {Nội dung bài viết}

Trong bài viết kèm video chi tiết này, chúng tôi sẽ đưa ra những lý thuyết, cách xử lý dựa trên kinh nghiệm của trại ếch chú Tăng, cùng với nhiều kiến thức học hỏi thêm, để tổng hợp lại cho các bạn chưa biết cùng tham khảo nhé. Rất mong nhận được sự ủng hộ, cũng như đóng góp hoặc, phản biện từ mọi người bằng những bình luận văn minh.

Đoán nguyên nhân nòng nọc ếch chết hàng loạt qua màu nước bể ương, cách xử lý
(Đoán nguyên nhân nòng nọc ếch chết hàng loạt qua màu nước bể ương, cách xử lý)

>> Cung cấp thịt ếch già, đặc sản đã sơ chế
>> Cung cấp ếch giống chuẩn miền Bắc, tùy chọn lọc hay không lọc đực
>> Cung cấp cặp ếch nái bố mẹ giống đạt chuẩn, không đồng hay cận huyết, giá hợp lý

Video chi tiết về dự đoán nguyên nhân nòng nọc ếch chết hàng loạt qua màu nước bể ương - cách phòng và xử lý:

1. Tảo có hại và rong đáy

1.1. Nguyên nhân gây chết

Những ai đã làm ếch giống đều biết, tảo có hại - rong đáy, là cặp đôi hoàn hảo và hàng đầu gây ra cuộc 'thảm sát' cho các thế hệ nòng nọc con. Nguyên nhân gây sát thương là do tảo độc, rong đáy hút oxy rất nhiều khiến nòng nọc trong bể thiếu đi dưỡng khí quan trọng này. Chưa hết, chúng còn thải ra khí độc làm bể ương trở nên ô nhiễm. Trong cả hai trường hợp, nếu không xử lý kịp thời, nòng nọc có thể ngao liên tục thay vì nằm dưới đáy, sau đó cuộn vào góc và chết hàng loạt. Thời gian chết khá nhanh, thậm chí, bạn chỉ ăn một bữa cơm thôi rồi ra thăm bể ương, nòng nọc đã cuộn thành búi.

1.2. Nhận biết tảo hại qua màu nước bể ương

Lưu ý: Trong video này, chúng tôi không đi chi tiết vào chủ đề các loại tảo trong nuôi trồng thủy sản (như tảo lục, tảo khuê, tảo lam,...), mà chỉ tập trung vào màu nước của tảo độc gây hại cho con nòng nọc ếch tạo ra nói chung.

Theo đó, theo kinh nghiệm quan sát của chúng tôi, thường tảo độc nếu có, sẽ sinh sôi mạnh từ ngày thứ 3. Dấu hiệu nhận biết của tảo độc phát triển mạnh là màu nước bể ngả vàng giống như màu nước của ao, bể bị nhiễm phèn vậy. Lúc này, nếu không xử lý kịp thời, tảo độc sẽ chiếm hết dưỡng khí của nòng nọc, sinh khí độc, từ đó khiến nòng nọc chết hàng loạt.

Tảo độc gây hại khiến nòng nọc ngao, tạt góc và chết hàng loạt
(Tảo độc gây hại khiến nòng nọc ngao, tạt góc và chết hàng loạt)

1.3. Nhận biết rong đáy phát triển

Rong đáy là loại gây hại cực mạnh. Ngày phát triển của rong đáy không nhất định, vì còn tùy thuộc vào điều kiện nước trong bể, giá thể, thời tiết: Nước và giá thể có sẵn rong đáy thì chúng sinh sôi nhanh hơn; Thời tiết nắng nóng cũng khiến rong đáy mau phát triển.

Dấu hiệu nhận biết rong đáy khá dễ và đặc trưng: Khi có rong đáy sinh sôi, nước trong bể thường trở nên trong vắt lạ thường. Lý do, vì rong đáy tiêu diệt tảo khiến nước trong. Lúc này, chúng phát triển rất mau, sau 1 đến 2 ngày mặt bể có bọt khí. Nếu không kịp thời can thiệp, nòng nọc sẽ thiếu oxy trầm trọng, ngao lên nhiều thay vì nằm dưới đáy bể, sau đó tạt góc và chết hàng loạt.

Rong đáy phát triển khiến nước trong lạ thường, sau vài ngày thì sủi bọt bể ương
(Rong đáy phát triển khiến nước trong lạ thường, sau vài ngày thì sủi bọt bể ương)

1.4. Phương pháp xử lý tảo độc và rong đáy

Đầu tiên, bạn nên có cách cung cấp thức ăn cho nòng nọc hợp lý vào những ngày đầu (thường là từ ngày thứ 2 nếu hết trứng ung, noãn sớm, còn không, sẽ là ngày thứ 3). Hạn chế, hoặc không nên dùng phương pháp bóp nhuyễn cám cao đạm với nước, rải bể. Bởi phương pháp này sẽ khiến nước hỏng rất nhanh. Nếu được, bạn hãy phát triển con bo bo, phát triển tảo có lợi để làm thức ăn cho nòng nọc trong vài ngày đầu. Con bo bo giàu dinh dưỡng, lại không làm bẩn nước, rất thích hợp để làm mồi cho nòng nọc. Có loại tảo lam, ngay cả khi chúng 'nở hoa', trại ếch chú Tăng cũng đã thử nghiệm hớt hạn chế cho nòng nọc ăn, và chúng ăn khá mạnh, nòng nọc sau ăn tảo lam vẫn phát triển bình thường. Các bạn cũng có thể thử nghiệm, một cách từ tốn nhé.

Tiếp theo, phải có phương pháp phòng ngừa tảo hại, rong đáy trước khi chúng kịp sinh sôi và gây hại. 

- Phương pháp truyền thống: Các bạn sử dụng các loại thảo dược sẵn có như lá bàng, cỏ mực, với hoạt tính tiêu diệt khuẩn, tảo, rong đáy hoàn toàn tự nhiên, an toàn. Liều lượng thì không nhất định. Nhưng những ai muốn biết liều dùng theo kinh nghiệm của chú Tăng, vui lòng liên hệ theo thông tin có gắn trong video, mô tả, cũng như bài viết nhé.

- Phương pháp hiện đại: Ngày nay, các loại thuốc thủy sản tương đối phát triển. Bạn có thể sử dụng nhuần nhuyễn, khoa học các loại với mục đích cắt tảo, diệt rong đáy, đồng thời có thêm dung dịch xử lý nền, đánh tan khí độc bể ương. Lưu ý, đây hoàn toàn là các loại thuốc xử lý tảo, rong, xử lý nền chứ không phải thuốc kháng sinh. Trại ếch chú Tăng không kinh doanh thuốc thủy sản, cũng không quảng cáo, nên trong phạm vi nội dung này, chúng tôi sẽ không đưa tên các loại thuốc thủy sản. Các bạn có nhu cầu, vui lòng liên hệ theo thông tin có gắn trong video, mô tả, cũng như bài viết.

2. Nước bể ương màu trà

Khi các bạn xử lý bể ương chuẩn, cho ăn khoa học, thì từ ngày thứ 3 (hoặc muộn hơn một chút), nước sẽ có màu nước trà, (màu vàng nâu đặc trưng). Tảo có lợi lúc này đã phát triển, con nòng nọc ở trong môi trường này rất tốt, sinh trưởng mau và ít cắn nhau do stress.

3. Nước bể ương màu xanh nhạt, xanh đọt chuối non

Khi làm chuẩn, mọi thứ thuận lợi, thì từ ngày thứ 6, thứ 7, hoặc muộn hơn một chút, bể ương của các bạn sẽ có màu xanh nhạt đặc trưng. Bể không có mùi hôi, nòng nọc lớn mau, khỏe mạnh, đặc biệt đều con và ít, hoặc không cắn nhau gây hao con.

Xin cảm ơn các bạn, bà con, cô chú anh chị đã tin tưởng, ủng hộ trại ếch chú Tăng. Mong mọi người luôn mua được con giống tốt để vụ nuôi thành công.

***

Quý bà con có nhu cầu tham quan, trao đổi, ủng hộ sản phẩm, vui lòng liên hệ với Trại theo thông tin chi tiết:

  • Địa chỉ: Trại ếch chú Tăng: Đội 5 thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, tp. Hải Phòng
  • Điện thoại: Chú Tăng - 0868676616, anh Lập - 0911.16.07.84 hoặc bạn Huế - 0987.979.464
  • Email: lap.phamduc.cnt@gmail.com
  • Facebook: https://www.facebook.com/hanhkhachcuoicung

Xin chân thành cảm ơn quý bà con và mong một vụ mùa bội thu, bớt nhọc nhằn.

ĐứcLập@TrangTrạiChúTăng

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn